LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH KÌ THỦ 9 ĐẲNG?
June 24, 2020
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH KÌ THỦ 9 ĐẲNG?
Tác giả : Vu Hoang
9 đẳng là đẳng cấp cao nhất trong cờ vây. Dưới thời Edo, 9 đẳng chỉ được phong cho duy nhất Kì nhân, tức người đứng đầu giới cờ vây. 8 đẳng có tối đa 4 người được phong cùng lúc trong khi 7 đẳng nhiều hơn một chút nhưng chưa bao giờ số lượng kì thủ 7 và 8 đẳng đạt được mức tối đa cả. Nếu xét về trình độ thì có lẽ 5 đẳng thời Edo ngang ngửa với 9 đẳng thời hiện đại. Nhận định này lấy từ việc Ngô Thanh Nguyên, khi chỉ là kì thủ 5 đẳng, đã đứng đầu giới cờ vây và chỉ kém Kì nhân Shusai một chút. Hoặc ví dụ khác là Ito Showa khi là kì thủ 5 đẳng (lúc đó ông đã gần 40 tuổi), được liệt vào nhóm những kì thủ mạnh nhất Nhật Bản.
Theo quy định, các kì thủ 1-4 đẳng của thời Edo cần có giấy chứng nhận đẳng cấp. Nhưng các kì thủ 5 đẳng trở lên thì không cần bởi lẽ ở thời này, 5 đẳng đã đủ vang danh thiên hạ rồi. Một thống kê năm 1862 - năm trong "thời đại hoàng kim của cờ vây" (gọi là thời đại hoàng kim vì nửa đầu thế kỉ 19 xuất hiện vô số thiên tài cờ vây và trình độ được đẩy lên rất cao, năm 1982, có tới 6 kì thủ ở thời kì này được giới chuyên môn xếp vào top 10 kì thủ vĩ đại nhất thời Edo) - cho thấy cả nước Nhật chỉ có tổng cộng 29 kì thủ từ 5 đẳng trở lên, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 số kì thủ 9 đẳng hiện tại của họ (khoảng 75 người).
Sau Thế chiến thứ 2, Viện cờ Nhật Bản quy định lại đẳng cấp. 9 đẳng không cần phải là người giữ danh hiệu Kì nhân nữa mà có thể là bất kì ai đạt đủ số trận thắng theo yêu cầu.
Để trở thành kì thủ 9 đẳng, trước tiên, bạn cần là ... kì thủ chuyên nghiệp 1 đẳng cái đã. Sau đó, quy định để lên đẳng như sau: Lên 2 đẳng cần 30 trận thắng (hoặc là người đạt được tổng tiền thưởng nhiều nhất trong năm của cấp 1 đẳng), lên 3 đẳng cần 40 trận thắng, lên 4 đẳng cần 50 trận thắng, lên 5 đẳng cần 70 trận thắng, lên 6 đẳng cần 90 trận thắng, lên 7 đẳng cần 120 trận thắng, lên 8 đẳng cần 150 trận thắng và lên 9 đẳng cần 200 trận thắng. Như vậy, để từ 1 đẳng lên 9 đẳng, một kì thủ sẽ cần thắng ... 750 trận. Tất nhiên, thông lệ thì là như vậy nhưng thường chỉ đạt khoảng 1/2 số trận thắng trên là các kì thủ có thể đạt cấp 9 đẳng. Ví dụ như Cho Chikun, ông đạt cấp 9 đẳng khi thắng khoảng 400 trận vào thời chưa có luật thăng vượt cấp.
Vào khoảng những năm 2002-03, Hàn Quốc bắt đầu đưa ra quy định thăng vượt cấp, theo đó 1 kì thủ nếu giành được các giải đấu lớn hoặc giải quốc tế thì sẽ mặc định lên thẳng 9 đẳng dù trước đó ở đẳng cấp nào. Việc này đã rút đi rất nhiều thời gian và công sức của các kì thủ. Ví dụ như Lee Sedol chỉ trong 4 tháng, anh đã leo rank từ 3 đẳng lên 9 đẳng nhờ chiến thắng 2 giải lớn.
Tiếp sau Hàn Quốc, Nhật Bản đã quy định tương tự lại. Kể từ khoảng năm 2004, các kì thủ nếu lọt vào vòng chung kết của 3 giải Kisei, Meijin và Honinbo (tạm gọi là các giải Lớn cấp cao) hoặc lọt vào trận tranh danh hiệu của 4 giải Lớn Gosei, Judan, Tengen và Oza sẽ được phong thẳng 7 đẳng. Các kì thủ lọt vào trận tranh danh hiệu của 3 giải Lớn cấp cao hoặc vô địch 1 trong 4 giải đấu Lớn khác sẽ được phong thẳng 8 đẳng. Các kì thủ vô địch 3 giải Lớn cấp cao hoặc bảo vệ thành công danh hiệu của 1 trong 4 giải còn lại sẽ được phong thẳng 9 đẳng. Ngoài ra, các kì thủ Nhật Bản nếu vào chung kết giải quốc tế được phong thẳng 8 đẳng và vô địch sẽ được phong thẳng 9 đẳng.
Việc phong vượt cấp này giúp các kì thủ trẻ nhanh chóng giảm bớt những trận đấu xét đẳng mà tập trung toàn lực vào các giải đấu lớn để thể hiện năng lực. Lẽ dĩ nhiên, nhờ đó mà các kì thủ trẻ hiện nay mới là những người thống trị cờ vây chứ không phải "lớp già".
Với các quy định mới này, độ tuổi của các kì thủ 9 đẳng liên tục bị phá vỡ giới hạn. Nếu Cho Chikun 24 tuổi lên được 9 đẳng đã là rất siêu việt thì sau đó, Lee Sedol lên 9 đẳng khi mới 20 tuổi. Giờ thì rất nhiều kì thủ dưới 20 đã đạt 9 đẳng mà trẻ nhất là Mị Dục Đình của Trung Quốc và Park Junghwan của Hàn Quốc, lên 9 đẳng khi chỉ 17 tuổi 11 tháng. Người đen đủi nhất khi quy định trên ra muộn chính là Lee Changho. Bởi lẽ nếu quy định ra đời sớm hơn, anh mới là kì thủ 9 đẳng trẻ nhất lịch sử khi chiến thắng giải quốc tế Tong Yang lúc mới tròn 17 tuổi.
Trở lại câu chuyện "Hikaru no Go", chắc mọi người còn nhớ Toya Akira đã lọt vào vòng chung kết giải Honinbo khi mới 15 tuổi? Nếu lúc đó đã có quy định trên, Akira sẽ được phong thẳng lên 7 đẳng. Còn với Kurata Atsushi thì với việc lọt vào trận tranh danh hiệu giải Honinbo, anh cũng ít nhất được xếp 8 đẳng thay vì 7 đẳng lúc cuối truyện. Vậy Hikaru? Vẫn 1 đẳng thôi 😳