TRẬN CHIẾN TẠI MATSUSHIRO
June 24, 2020
TRẬN CHIẾN TẠI MATSUSHIRO
Tác giả : Vu Hoang
Nếu có một kì thủ chuyên nghiệp nào phá vỡ trật tự vốn có của giới cờ vây, đi đến tận nhà một kì thủ nghiệp dư để đấu hàng chục ván thì chắc chắn, đó phải là một người vô cùng đặc biệt.
Vào một ngày mùa hè 169 năm về trước, dưới ánh nắng Mặt Trời tháng 6 chói chang, một cỗ xe ngựa đang rong ruổi trên con đường từ thành Edo tới Matsushiro. Trên xe là một chàng thanh niên ngoài 20 tuổi, khuôn mặt hiền lành với mái tóc cắt rất ngắn. Chàng là một nhân vật rất nổi tiếng của Nhật Bản lúc bấy giờ, được xưng tụng là đệ nhất cao thủ cờ vây với cái tên Shusaku.
Hơn 1 tháng trước đó, Viện trưởng Honinbo Shuwa nhận được một phong thư từ một vị samurai của thành Matsushiro. Ông ta có tên là Sekiyama Sendaiu, một cựu môn sinh của Viện. Sendaiu gửi thư tới Shuwa và khẩn khoản đề nghị vị Viện trưởng mời Shusaku tới Matsushiro để đấu cờ.
Shusaku đã hỏi Shuwa:
- Thưa gia trưởng, Sendaiu là người như thế nào?
Shuwa đáp:
- Ông ta từng là môn đệ của Honinbo Genjo và cả nhạc phụ của cậu (tức Honinbo Jowa). Có lẽ ông ta là kì thủ nghiệp dư mạnh nhất từ trước tới nay. Một đối thủ không hề đơn giản!
Shuwa nói không sai. Sendaiu chính là kì thủ nghiệp dư mạnh nhất trong lịch sử cờ vây. Sức cờ của ông tương đương với các kì thủ 5 đẳng của thời Edo, tức là ngang với các kì thủ 9 đẳng chuyên nghiệp ngày nay. Chính Honinbo Jowa cũng đã thừa nhận điều này nhưng vì luật lệ, ông không thể phong thẳng Sendaiu lên 5 đẳng được bởi 5 đẳng là đẳng cấp rất cao thời đó. Khi Jowa đề nghị chỉ phong Sendaiu 3 đẳng, ông đã kiêu hãnh từ chối. Năm 1823, Sendaiu đã đánh bại Nagasaka Inosuke để khẳng định vị trí số 1 trong giới cờ nghiệp dư và tiếp đó, đánh bại Viện trưởng Hayashi với tỉ số 11-6 sau loạt 20 ván.
Rất hứng thú với tài nghệ của Sendaiu, Shusaku lập tức sắp xếp công việc trong Viện và sau đó vài tuần, khởi hành tới Matsushiro. Quãng đường dài tới hơn 200km, một khoảng cách rất đáng kể so với tình hình đường sá thời bấy giờ. Khi nghe tin Shusaku đã đến, Sendaiu hết sức ngạc nhiên và vui mừng. Vị samurai đã hơn 60 tuổi vội vã ra tiếp đón Tích mục của Viện Honinbo. Dù thế nào thì đứng về bối phận, Sendaiu vẫn chỉ là môn sinh của Viện còn Shusaku là Viện trưởng tương lai.
Rất khiêm nhường, Shusaku đã đề nghị Sendaiu đấu ngay một ván dù ông vẫn chưa hết mệt mỏi sau mấy ngày đi đường. Sendaiu đã hào hứng nhận lời. Ngay ở ván đầu, Shusaku đã đánh bại Sendaiu chỉ sau 174 nước. Cả hai sẽ còn tiếp tục đấu với nhau 19 ván nữa. Trong tổng số 20 ván, Shusaku đều cầm quân Trắng bởi ông ở đẳng cấp cao hơn.
Ngày nay, chắc chắn không một kì thủ chuyên nghiệp nào lại chơi một loạt những ván cờ nghiêm túc như thế mà không nhằm mục đích tranh giải và càng không thể chơi khi đối thủ chỉ là một người nghiệp dư. Nhưng Shusaku là một con người vô cùng đặc biệt. Ông đã tạo ra phong cách của riêng mình khi chỉ mới 14 tuổi, đã trở thành người duy nhất trong lịch sử từ chối vị trí Tích mục của một Viện cờ khi chỉ mới 17 tuổi và bây giờ, tiếp tục làm nên một điều khác thường nữa. Điều đặc biệt hơn nữa là trong toàn bộ 20 ván đấu, Shusaku đã liên tiếp sử dụng 20 kiểu khai cuộc khác nhau, không một ván nào lặp lại. Quả thật rất phi phàm!
Sau 19 ván đầu tiên, Shusaku đã dẫn trước Sendaiu với tỉ số 13-6. Ở ván cuối cùng, Shusaku bất ngờ sử dụng một khai cuộc hết sức kì lạ với thời kì đó. Nếu để ý thì sẽ thấy cách khai cuộc của ông không khác gì các kì thủ hiện đại. Sự phá cách này đã tạo nên một kiệt tác và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ván cờ này là món quà chia tay mà Shusaku dành tặng cho Sendaiu (Sendaiu thắng 1 mục). Như vậy, trận Nijubango đã kết thúc với tỉ số 13-7 nghiêng về Shusaku (trong 7 ván thua, có 4 ván Shusaku đầu hàng, 3 ván còn lại ông thua lần lượt là 3 mục, 2 mục và 1 mục).
Trước khi Shusaku lên đường trở về Edo, Sendaiu đã tặng ông 20 lượng vàng gọi là chi phí đi lại. Số tiền này tương đương khoảng 6 triệu yen hiện nay, tức cỡ ... 1,3 tỷ đồng. Shusaku đã nhất mực từ chối nhưng Sendaiu tuyên bố, nếu ông không nhận thì tức là coi thường chủ nhà. Cuối cùng, Shusaku đành nhận quà và lên đường về Viện sau 3 tuần ở Matsushiro.
Câu chuyện về cuộc đấu độc nhất vô nhị giữa 1 kì thủ chuyên nghiệp và 1 kì thủ nghiệp dư đã diễn ra như vậy đấy!
Ảnh 1: Lâu đài Matsushiro
Ảnh 2: Khai cuộc như một kì thủ hiện đại của Shusaku.
Hay thật, cám ơn tác giả, mong tác giả viết nhiều bài dạng như này hơn nữa.
ReplyDelete