ĐÍNH CHÍNH VỀ TÊN DANH HIỆU TRONG CỜ VÂY
June 24, 2020
ĐÍNH CHÍNH VỀ TÊN DANH HIỆU TRONG CỜ VÂY
Tác giả : Vu Hoang
---------------------------------
KISEI
Kisei âm Hán Việt đọc là "Kì Thánh". Đây là danh hiệu mang ý nghĩa danh dự mà giới cờ vây trao cho một vài kì thủ vĩ đại nhất lịch sử. Có 3 vị Kì Thánh chính thức được công nhận là Kì nhân Dosaku, Bản Nhân Phường Shusaku và Ngô Thanh Nguyên 9 đẳng. Hai người khác đôi khi nằm trong nhóm này gồm có Bản Nhân Phường Jowa và Hoàng Long Sĩ.
Trong truyện Hikaru thì bên NXB dịch danh hiệu này là "Kì sinh", có lẽ nhầm vì âm "sei" trong Kisei đồng âm với "sei" trong Insei (Viện sinh) hay Sensei (Tiên sinh).
---------------------------------
MEIJIN
Meijin âm Hán Việt đọc là "Danh Nhân". Tuyệt đại đa số các bài tiếng Việt mình đọc đều phiên âm là "Kì nhân" nhưng cách phiên âm này là sai. Meijin là danh hiệu cao nhất của giới cờ vây thời Edo, chỉ dành cho 1 người duy nhất có thực lực được công nhận là mạnh nhất.
Meijin không chỉ là kì thủ số 1 Nhật Bản mà còn là 1 công chức nhà nước. Ông ta sẽ đứng đầu một cơ quan có tên là "Godokoro", âm Hán Việt đọc là "Kì sở". Cơ quan này làm nhiệm vụ quản lí cờ vây quốc gia, tương tự như Hiệp hội cờ vây quốc gia ngày nay. Do đó, tên danh hiệu này đầy đủ là "Meijin Godokoro" hay "Danh Nhân kì sở". Meijin cổ điển tương đương vị trí của 1 kì thủ nắm giữ cùng lúc 3 danh hiệu Kisei, Meijin và Honinbo và nắm suốt đời.
Tuy phiên âm sai nhưng có lẽ cách gọi "Kì nhân" đã quá quen thuộc nên mình cũng hay xài cách gọi này.
---------------------------------
HONINBO
Honinbo âm Hán Việt thì ai cũng rõ rồi, là "Bản Nhân Phường". Đây là tên gọi tiểu viện, nơi mà Kì nhân Nikkai, người sáng lập ra lễ tiết về cờ vây cổ điển, ẩn cư. Về sau, Nikkai thành lập 4 viện cờ và tự chủ trì 1 viện. Ông gọi viện đó là Honinbo. Ba viện còn lại lần lượt là Yasui (An Tỉnh), Inoue (Tỉnh Thượng) và Hayashi (Lâm).
Honinbo là danh hiệu để gọi người đứng đầu viện cờ Honinbo hay Viện trưởng (cách gọi đúng của người này là "Gia trưởng") hoặc người được xác định sẽ kế vị hay Tích mục. Tương tự, các danh hiệu Yasui, Inoue hay Hayashi cũng dùng để gọi "Gia trưởng" hoặc "Tích mục" của các viện trên.
Ba danh hiệu Kisei, Meijin và Honinbo là 3 danh hiệu lớn nhất, ở mức tier 1 trong giới cờ vây.
---------------------------------
JUDAN
Judan âm Hán Việt chính xác là "Thập đoạn". Cơ mà mọi người quen gọi là "Thập đẳng" thì cũng không sai biệt là mấy.
---------------------------------
OZA và TENGEN: các bài tiếng Việt phiên âm 2 danh hiệu này đều chính xác, là Vương Tọa và Thiên Nguyên.
---------------------------------
GOSEI
Gosei âm Hán Việt chính xác là ... "Kì Thánh". Ơ, mà chữ Go và chữ Ki khác nhau ở điểm gì? Thực ra, hai chữ này viết khác nhau nhưng tiếng Hán (và kéo theo âm Hán Việt) đều đọc giống nhau, là "Kì" và chỉ cờ vây. Nhưng chữ Ki (棋) này là bộ Mộc còn chữ Go (碁) là bộ Thạch. Sở dĩ có 2 cách viết vì ngày xưa, quân cờ ban đầu làm bằng đá nên nó có bộ Thạch, sau chuyển sang làm bằng gỗ nên có bộ Mộc trong cách viết. Chữ Go thì ít thông dụng hơn so với chữ Ki rất nhiều.
---------------------------------
Hàn Quốc và Trung Quốc có danh hiệu "Danh Nhân" không? Câu trả lời là CÓ. Bên Hàn thì âm đọc là Myungin còn bên Trung thì âm đọc là Mingren.
Ngoài "Danh Nhân", 2 nước trên còn có danh hiệu Thiên Nguyên giống Nhật nữa. Điểm khác là Trung Quốc có giải Kì Thánh (Qisheng) còn Hàn thì không có, thay vào đó là giải Guksu (Quốc thủ).
---------------------------------
Giải quốc tế lớn nhất thế giới hiện là Ing Cup với phần thưởng cho nhà vô địch lên tới gần 10 tỷ tiền Việt và tổ chức 4 năm/lần. Chữ Ing lấy từ họ của doanh nhân Ứng Xương Kì (Ing Chang Ki), một vị mạnh thường quân nổi tiếng của cờ vây. Giải này đang bị Hàn Quốc và Trung Quốc thống trị. ĐKVĐ là Đường Vi Tinh 9 đẳng của Trung Quốc.
---------------------------------
Ảnh: Bản Nhân Phường Monyu, tức Yuta Iyama 9 đẳng, giơ 7 ngón tay tượng trưng cho việc anh là người đầu tiên và duy nhất thống nhất 7 danh hiệu lớn của cờ vây Nhật Bản. Anh đồng thời cũng là Kisei, Honinbo, Tengen và Gosei Danh Dự (danh hiệu dành cho người 5 lần vô địch liên tiếp 1 giải đấu lớn). Hơi tiếc khi Yuta đã thua ở chung kết Meijin 2016 và Oza 2014, không cũng lượm nốt danh hiệu Danh Dự ở 2 giải này luôn.