Bài Viết Mới.
Full with love

TAM QUỐC - CỜ VÂY - GIÁN ĐIỆP

TAM QUỐC - CỜ VÂY - GIÁN ĐIỆP
Tác giả : Vu Hoang


Cờ vây đến với Triều Tiên từ rất sớm, thậm chí còn sớm hơn cả Nhật Bản.

Theo truyền thuyết, có hai con đường mà cờ vây vào bán đảo này. Thứ nhất, thông qua Cơ Tử và bộ lạc của ông. Cơ Tử là một nhân vật mang tính truyền thuyết, được cho là cùng dòng họ với vua Trụ nhà Thương. Khi nhà Thương bị nhà Chu tiêu diệt, ông dẫn người trong bộ lạc của mình tới Triều Tiên và mang theo những hiểu biết về nền văn minh Hoa Hạ như nông nghiệp, dệt vải và cả cờ vây. Con đường thứ hai mang tính thực tế hơn, đó là khi người Hán xâm lược Triều Tiên vào khoảng thế kỉ 2 trước Công Nguyên, đã mang văn hóa Hán đến với người bản địa.

Vào những năm cuối cùng của thế kỉ 1 trước Công Nguyên, bán đảo Triều Tiên dần hình thành nên 3 quốc gia: Goguryeo ở phía Bắc với người sáng lập rất quen thuộc với khán giả Việt Nam - vua Jumong, Baekje ở phía Tây Nam và Silla ở phía Đông Nam. Ba quốc gia này tạo thành thế chân vạc, sử gọi là "Tam Quốc Triều Tiên", kéo dài trong suốt 700 năm.

Vào thời vua Geunchogo (có thể xem phim "Huyền thoại về một vị vua", nói về ông này), quốc lực của Baekje mạnh lên trông thấy. Dưới sự chỉ huy của ông, Baekje liên tiếp tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Goguryeo và Silla, mở rộng đất đai tới mực cực đại trong lịch sử quốc gia này. Goguryeo bị suy yếu nghiêm trọng suốt mấy đời vua, phải đến khi xuất hiện Thái vương Gwanggaeto (có thể xem phim "Tứ thần ký", nói về ông này), đất nước này mới phục hồi và mạnh trở lại. Sang đời con của Gwanggaeto, tức vua Jangsu, Goguryeo bắt đầu mưu tính việc khôi phục lại vùng thung lũng sông Hán (sông này tên là "Hán" - dấu sắc, còn thì chỉ có một cái sông tên là sông Hàn ở Đà Nẵng thôi).

Vào giữa thế kỉ thứ 5, Baekje được cai trị bởi một vị vua hùng mạnh tên là Gaero. Gaero có một thú vui đó là chơi cờ vây. Có lẽ ông là một kì thủ thuộc loại khá, vì thế niềm ham thích ngày càng tăng. Một ngày nọ vào khoảng năm 474, các quan lại dưới quyền dâng lên Gaero một kì thủ trẻ tuổi. Chàng trai này tự xưng tên là Dorim (âm Hán Việt - Đạo Lâm). Theo lời các quan, Dorim là một cao thủ cờ vây. Rất hứng thú với điều này, Gaero đã thử tài Dorim. Ngay lập tức, kì nghệ của Dorim đã chinh phục hoàn toàn vị vua của Baekje.

Kể từ đó, Gaero giữ rịt Dorim ở trong cung, ngày ngày đánh cờ tiêu khiển. Dần dần, những câu chuyện trên bàn cờ đã vượt ra ngoài biên giới của trò chơi. Cả hai bắt đầu nói về văn học, nghệ thuật rồi đến cả chiến tranh, chính trị. Gaero hết sức kinh ngạc khi thấy tầm hiểu biết của Dorim với những vấn đề này là rất lớn. Ông bắt đầu tin cậy chàng trai này. Thế rồi, Dorim thuyết phục Gaero xây dựng một thành quách lớn và nói rằng nếu có thành này, Baekje sẽ bất khả chiến bại. Quá tin tưởng Dorim, Gaero đã dốc sức xây dựng tòa thành khổng lồ, bất chấp sự can ngăn đến từ bá quan văn võ trong triều.

Tòa thành này càng xây, dân chúng Baekje càng trở nên khốn đốn vì lao dịch. Quốc khố cũng vì thế mà bị vơi đi rất nhanh. Giữa lúc công trình đang còn ngổn ngang vì ... hết tiền thì Dorim mất tích. Gaero rất thất vọng bởi mất đi một đối thủ tài năng trên bàn cờ. Nhưng ông không còn thất vọng lâu nữa bởi vì chỉ vài tháng sau, quân Goguryeo tràn từ phía Bắc xuống. Quân Baekje do đã kiệt sức vì việc xây đắp thành trì đã nhanh chóng bại trận. Đồng minh của Baekje là Silla vội vã đem quân tới giải cứu nhưng đã quá muộn, kinh đô Wiryeseong thất thủ, rơi vào tay quân Goguryeo, còn vua Gaero bị bắt sống. Ở trong tù, Gaero đã bị hai kẻ đào tẩu từ Baekje giết chết. Các quý tộc Baekje đành rút về Ungjin cố thủ. Goguryeo mở rộng lãnh thổ tới mức cực đại vào năm 475.

Sau này, người ta mới biết thì ra chàng trai tên Dorim kia chính là gián điệp do vua Jangsu cài vào. Chàng là một hòa thượng của Goguryeo có tài năng cờ vây thiên bẩm. Biết vua Gaero thích chơi cờ, Jangsu đã tìm kiếm một cao thủ cờ vây sang Baekje để làm gián điệp. Cuối cùng, Dorim tình nguyện lên đường và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không chỉ tìm kiếm tin tức quân sự từ Baekje, Dorim còn khiến Gaero tiêu tốn quốc lực vào việc xây thành quách và khiến Goguryeo dễ dàng đánh bại đối thủ. Thế nhưng, sau cuộc chiến năm 475, tên tuổi Dorim đã chìm vào quên lãng. Số phận của vị hòa thượng này ra sao, không một cuốn sách nào ghi lại nữa. Dù vậy, ông đã đi vào lịch sử bán đảo Triều Tiên khi trở thành kì thủ cờ vây đầu tiên được lưu danh.

P/S: Hiện có một số luồng ý kiến nghi ngờ về việc Dorim có phải là gián điệp hay không, bởi lẽ những công trình mà ông kiến nghị vua Gaero xây dựng đều cần thiết cho Baekje lúc đó. Ngoài ra, trên website history.go.kr thì ghi là Dorim đã tự mình tới hoàng cung Baekje để xin gặp Gaero. Chi tiết này theo mình khá hư cấu bởi không dễ để một kẻ trốn chạy từ Goguryeo (Dorim nói về mình như thế) có thể gặp vua của một quốc gia. Do đó, mình thiên về giả thuyết cho Dorim được tiến cử vào cung hơn.

Ảnh: Hình thế Tam Quốc sau sự kiện gián điệp của Dorim, phần khoanh màu đỏ cho đến biên giới Baekje là lãnh thổ mà Goguryeo thu được trong cuộc chiến. Đây là một vùng đất đai rất màu mỡ và có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế quốc gia.

Hanoi Go Club Hanoi Go Club Author

Youtube

Popular Post

About

Chúng tôi là những người đam mê cờ vây và tìm thấy những tư tưởng triết lý cao đẹp từ bộ môn nghệ thuật của tư duy này. Với mong muốn và khát khao phát triển cộng đồng cờ vây tại Việt Nam ngày một lớn mạnh, trang web này là nơi chúng tôi cung cấp những kiến thức cơ bản và tạo động lực cho các bạn.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng từ các bạn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

--- Hội Quán Cờ Vây Hà Nội ---


Doanh Nghiệp Tài Trợ

Contact Us

Website: hanoigoclub.com


Page: facebook.com/hanoigoclub


Group: facebook.com/groups/hanoigoclub


Youtube: Hc C Vây - Hanoi Go Club


Hotline: 098.37.86.888


Email: hanoigoclub@outlook.com

Đăng Ký Theo Dõi