Bài Viết Mới.
Full with love

NGÔ THANH NGUYÊN - TÀI NĂNG VƯỢT THỜI ĐẠI

NGÔ THANH NGUYÊN - TÀI NĂNG VƯỢT THỜI ĐẠI
Tác giả : Vu Hoang



Hôm nay, mình sẽ gửi đến mọi người bài viết về Ngô Thanh Nguyên, 1 trong 3 kì thủ xuất chúng tạo ra những bước ngoặt lớn nhất của cờ vây.
------------------------------------------
Rất đơn giản, ông là 1 trong 3 kì thủ được giới cờ vây đánh giá cao nhất trong lịch sử, bên cạnh Kì nhân Dosaku và Bản Nhân Phường Shusaku.Ngô Thanh Nguyên, được thế giới biết đến nhiều hơn với cái tên Nhật Bản “Go Seigen”, sinh ngày 12-6-1914 tại Mân Hầu, Phúc Kiến của Trung Quốc. Ông tên thật là Ngô Tuyền, là con trai thứ ba trong gia đình có truyền thống về Nho học và nhiều đời làm quan, được gọi là “Thư hương nhất môn”.

Mẹ ông là Trương Thư Văn, con gái của Trương Nguyên Cơ (1858-1922), một viên quan thời Thanh mạt, về sau từng là Thứ trưởng Bộ Nội vụ dưới thời Dân quốc. Cha ông, Ngô Nghị (1891-1924), từng tới Nhật Bản du học ngành luật. Ở Tokyo, Ngô Nghị đã có những tiếp xúc với nhóm Hoensha và trở nên rất yêu thích cờ vây (Wiki tiếng Việt mục "Ngô Thanh Nguyên" viết sai khi nói Ngô Nghị học cờ vây từ Shuho. Thực tế thì Shuho chết 5 năm thì Ngô Nghị mới chào đời và mãi 20 năm sau mới sang Nhật). Sau khi trở về nước, trong hành trang của Ngô Nghị ngoài những cuốn sách luật, còn có cả cuốn kì phổ của Bản Nhân Phường Shusaku. Cuốn kì phổ ấy sau này có ảnh hưởng rất lớn tới Ngô Thanh Nguyên trong những năm đầu đời học cờ vây.

Để tiện cho công việc, năm 1914, Ngô Nghị đem cả gia đình lên Bắc Kinh sinh sống. Tại đây, ông làm việc ở Bình Chính viện, dưới sự quản hạt của bố vợ là Trương Nguyên Cơ.Ngay từ khi còn nhỏ, Ngô Thanh Nguyên đã theo truyền thống gia đình. Lên 5 tuổi, ông bắt đầu học Tứ thư, Ngũ kinh. 7 tuổi, Ngô Thanh Nguyên học cờ vây và nhanh chóng thể hiện tài năng của một thần đồng, không ai xung quanh địch nổi. Sức tiến bộ của ông được mô tả là “ngày đi ngàn dặm”. Lúc ấy, các cao thủ cờ vây như Uông Vân Phong (1866-?), Cố Thủy Như hay Lưu Thế Hoài (1897-1979) cũng đang ở Bắc Kinh, đã góp công không nhỏ cho việc học tập của Ngô. Năm 1924, Ngô Nghị qua đời vì bệnh lao phổi khiến gia đình họ Ngô lâm vào cảnh túng thiếu. Thế nhưng danh tiếng của con trai ông lúc này đã vang lừng khắp thành phố và nhờ đó, được Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Đoạn Kỳ Thụy bảo trợ trong suốt 1 năm cho đến khi họ Đoạn bị lật đổ. Sau khi mất đi nguồn tài trợ, Ngô Thanh Nguyên bắt đầu kiếm tiền bằng việc chơi cờ ở những nhà hàng nổi tiếng, nơi giới giàu có tụ tập và thể hiện như một kì thủ trẻ vô địch.

Khoảng năm 1926, khi tới chơi cờ kiếm tiền ở một CLB cờ vây, Ngô đã đánh bại một kì thủ nhất đẳng của Nhật. Sự kiện này khiến Inoue Kohei 5 đẳng (1876-1941), lúc ấy đang ở Bắc Kinh, rất ngạc nhiên và đã tìm tới Ngô để thử tài. Chỉ sau 3 ván đấu, Kohei cảm thấy hết sức kinh ngạc và đã báo lại với giới cờ vây Nhật Bản về cậu bé này. Khi xem kì phổ của Ngô Thanh Nguyên, các cao thủ Nhật Bản đã phải thốt lên “Sự trở lại của Shusaku”. Để kiểm nghiệm chính xác thực lực của Ngô Thanh Nguyên, Viện cờ Nhật Bản đã cử Hashimoto Utaro 4 đẳng (1907-1994) tới đấu. Kết quả, Utaro đã thất bại cả 2 ván, càng chứng minh tài năng tuyệt vời của Ngô.

Quá ấn tượng trước Ngô Thanh Nguyên, Viện cờ Nhật Bản thông qua Nam tước Okura Kihachiro và nghị sĩ Inukai Tsuyoshi (1855-1932), đã mời ông tới Nhật Bản để rèn luyện nâng cao trình độ cờ vây. Tháng 10-1928, Ngô Thanh Nguyên, lúc này mới 14 tuổi, cùng mẹ và anh trai, lên tàu sang Nhật Bản. Ông được Viện cờ Nhật Bản cấp 200 yen mỗi tháng và chỉ trong 2 năm để chứng minh bản thân. Nếu trong thời gian đó, ông không thể đạt đẳng cấp chuyên nghiệp thì sẽ phải trở về Trung Quốc. Còn nếu đạt, ông sẽ nhận được tài trợ giống như các kì thủ chuyên nghiệp khác của Nhật Bản.



Ảnh: Ngô Thanh Nguyên đấu cờ với Kitani Minoru - đối thủ và cũng là người anh em thân thiết của ông.

Sau vài tháng làm quen môi trường, Ngô Thanh Nguyên bước vào cuộc sát hạch cực kì khắt khe của Viện cờ. Có tới 7 kì thủ đấu cùng ông để đánh giá năng lực. Kết quả, sau kì sát hạch, Ngô không những được công nhận là kì thủ chuyên nghiệp mà thậm chí, còn được phong ngay 3 đẳng. Để tiếp tục nâng cao trình độ, ông bái kì sư Kensaku Segoe làm thầy.


Từ năm 1929-1932, do đẳng cấp còn thấp, Ngô Thanh Nguyên thường được cầm quân Đen. Năm 1930, ông lên 4 đẳng. Năm 1932, với thành tích khủng khiếp 44 thắng – 5 thua trong năm, ông được phong 5 đẳng ở tuổi 18. Cũng bắt đầu từ đây, ông đưa ra phương pháp khai cuộc mới vào điểm tam-tam thay vì tiểu mục như trước kia. Cùng với người bạn Kitani Minoru, Ngô bắt đầu tạo ra một cuộc cách mạng cho cờ vây hiện đại với cái tên “Tân khai cuộc”. Cả hai đã quyết định đấu một trận Jubango nhưng phải dừng giữa chừng ở ván thứ 6 với tỉ số 3-3. Kitani đã mời ông tới Jigokudani Onsen ở Nagano để chơi ván thứ 5 trong loạt trận. Hai kì thủ đã trao đổi rất sôi nổi về cách khai cuộc mới mẻ và có thể nói, “Tân khai cuộc” của cờ vây hiện đại đã ra đời ở khu suối nước nóng này.


Ngày 16-10-1933, Ngô Thanh Nguyên đã có một ván cờ nổi tiếng với Bản Nhân Phường Shusai. Đó là “phần thưởng” cho việc ông chiến thắng giải Oteai của Nhật Bản gồm 16 cao thủ do báo Yomiuri Shimbun tổ chức. Theo quy định, mỗi bên có 24 giờ để suy nghĩ nhưng Shusai được quyền dừng ván cờ bất cứ lúc nào bởi ông là Kì nhân và có đẳng cấp cao hơn. Tổng cộng, Shusai đã sử dụng quyền này 13 lần trong cả ván và khiến nó kéo dài tới tận 29-1-1934 mới kết thúc. Cuối cùng, Ngô đã thua 2 mục trong một trận đấu được mệnh danh là “trận chiến thế kỷ”.


Bất chấp việc thất bại trước Shusai, danh tiếng của chàng trai trẻ vẫn tăng lên không ngừng. Phong cách “Tân khai cuộc” của ông và Kitani Minoru đã gây sóng gió trong làng cờ. Người ủng hộ rất nhiều mà người phản đối cũng lắm. Nhà xuất bản Heibonsha sau đó đã tung ra cuốn sách “Cuộc cách mạng về cờ vây: Tân khai cuộc” để nói về lối chơi mới đang được định hình bởi 2 chàng trai trẻ. Cuốn sách nhanh chóng trở thành một hiện tượng và tiêu thụ được 100.000 bản.


Năm 1936, Ngô Thanh Nguyên chính thức trở thành công dân Nhật Bản. Năm 1938, Shusai nghỉ hưu và chuyển quyền sử dụng danh hiệu “Bản Nhân Phường” cho Viện cờ Nhật Bản. Như vậy là 7 đẳng trở thành đẳng cấp cao nhất và chỉ có 5 người đạt được lúc này. Để quyết định xem ai là kì thủ mạnh nhất Nhật Bản, tòa báo Yomiuri Shimbun đã tài trợ trận Jubango lần 2 giữa Ngô Thanh Nguyên và Kitani Minoru, 2 kì thủ trẻ 7 đẳng, đồng thời là bạn thân của nhau. Ngoại trừ ván 2 đấu ở Tokyo và ván 5 đấu ở Gunma, 8 ván còn lại đều đấu ở các thiền viện tại Kamakura. Ngô Thanh Nguyên đã giành chiến thắng với tỉ số 6-4 dù phải cầm quân Trắng trong 6 ván, khẳng định vị trí số 1 ở làng cờ vây.


Nhưng giai đoạn trên cũng chứng kiến rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời Ngô Thanh Nguyên. Năm 1940, ông bị buộc phải từ bỏ quốc tịch Nhật Bản và cũng không còn là công dân của Trung Hoa dân quốc, ông trở thành người vô quốc tịch. Năm 1941, giữa lúc chiến tranh Trung-Nhật đang diễn ra dữ dội, mẹ và anh trai ông trở về quê hương. Đây là quãng thời gian ông bị khủng hoảng tinh thần khi chứng kiến Tổ quốc của mình và đất nước mà ông gắn bó suốt hơn 10 năm qua giao tranh lẫn nhau. Năm 1942, ông kết hôn với Nakahara Kazuko. Trong suốt những năm này, Ngô rời bỏ hoàn toàn giới cờ vây. Đến tháng 8-1947, Kì sư Kensaku Segoe đã rút tên ông khỏi Viện cờ Nhật Bản. Ông được Viện trao tặng danh hiệu “Danh dự khách viên”.





Ảnh: Bản Nhân Phường Monyu (tức Iyama Yuta 9 đẳng) tới chúc mừng sinh nhật nhân dịp Ngô Thanh Nguyên tròn 100 tuổi. Đây cũng là sinh nhật cuối cùng của ông trước khi qua đời.

Năm 1948, Ngô Thanh Nguyên quay lại làng cờ. Ông đã có trận Jubango với Iwamoto Kaoru và đè bẹp đối thủ 7-2 (1 hòa) dù cầm quân Trắng 6 ván. Năm 1949, ông đối đầu với đội các kì thủ 6 và 7 đẳng, cầm quân Trắng trong gần như cả trận nhưng vẫn thắng tiếp 8-1 (1 hòa). Cũng trong năm này, ông được chính quyền Trung Hoa Dân quốc công nhận là công dân chính thức. Năm 1951, ông đối đầu với Fujisawa Kuranosuke 9 đẳng lần thứ 2. Ở lần đầu, năm 1942, Fujisawa đã thắng Ngô với tỉ số 6-4 nhưng lúc ấy, ông phải cầm quân Trắng cả 10 ván. Còn ở lần này, 2 kì thủ đều 9 đẳng nên đấu ngang nhưng Ngô đã đánh bại Fujisawa với tỉ số 7-1 (2 ván hòa).


Ông còn tiếp tục hạ nốt các cao thủ đương đại khác như Sakata Eio 8 đẳng hay Takagawa Kaku 8 đẳng (người sau này giành danh hiệu Honinbo 9 năm liên tiếp) với những tỉ số cách biệt trong những năm sau đó. Chiến thắng của ông càng thêm lung linh bởi ông phải cầm quân Trắng trong phần lớn các ván đấu (khi đó, luật Komi chưa ra đời nên cầm quân Trắng bất lợi hơn). Với thành tích ấy, người Nhật đã gọi ông là “Thập phiên kỳ chi vương” – Vua của các trận Jubango, hay “Chiêu Hòa Kì thánh” – Kì thánh của thời Chiêu Hòa, sánh ngang với Kì nhân Dosaku hay Bản Nhân Phường Shusaku. Tuy nhiên, ông đã từ chối danh hiệu trên vì cho rằng chỉ có Khổng Tử mới xứng đáng được gọi là “thánh nhân”.


Tháng 8-1961, Ngô Thanh Nguyên bị một chiếc xe máy tông phải khiến ông gãy chân và chấn thương lưng, phải nằm viện 2 tháng. Tai nạn này đã để lại di chứng khiến ông mất tập trung, dễ buồn nôn và hay đau đầu. Điều đó khiến phong độ của ông xuống dốc dữ dội và làm ông mất cơ hội giành danh hiệu “Kì nhân” khi giải đấu này chính thức bắt đầu từ năm ấy (ông thua ở trận chung kết tranh danh hiệu). Ông dần dần rút lui khỏi giới cờ vây và chuyển sang nghiên cứu lẫn giảng dạy.


Những năm tháng còn lại, Ngô Thanh Nguyên dành hết tâm huyết cho cờ vây thế kỉ mới. Sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật và máy tính điện tử đã làm giới cờ vây trở nên sôi động. Nhưng ông vẫn tin rằng cờ vây là một nghệ thuật và triết lí sống, và mục tiêu cuối cùng của nó là truy cầu sự hoàn hảo. Với quan điểm mới mẻ, ông không quan tâm tới những cách chơi cũ mà luôn hướng tới cách chơi hiện đại, phá bỏ các phương pháp cổ điển. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới các thế hệ kì thủ sau đó.


Năm 1979, ông lấy lại quốc tịch Nhật Bản và đến năm 1985, ông trở về đại lục với sự chào đón của chính quyền và nhân dân nước CHND Trung Hoa sau hàng chục năm xa cách. Ngày 30-11-2014, kì thủ vĩ đại Ngô Thanh Nguyên qua đời một cách yên bình ở tuổi 100 tại Odawara, Nhật Bản. Di hài của ông được chuyển về quê nhà Phúc Kiến vào tháng 11-2017, dưới sự chứng kiến của gia đình và Rin Kaiho 9 đẳng, học trò của ông.


Với những đóng góp lớn lao cho cờ vây, Ngô Thanh Nguyên được công nhận rộng rãi là kì thủ vĩ đại nhất của thế kỉ 20 và là 1 trong 3 vị “Kì thánh” của thế giới, bên cạnh Kì nhân Dosaku và Bản Nhân Phường Shusaku.


Năm 2004, Bảo tàng danh vọng cờ vây được thành lập. Năm 2005, Viện cờ Nhật Bản dự kiến đưa tên tuổi của Ngô Thanh Nguyên vào lưu danh nhưng ông từ chối với lí do mình hãy còn sống. Bởi thế, phải đến sau khi ông qua đời, năm 2015, tên tuổi của ông mới chính thức được đưa vào Bảo tàng.


Năm 2006, đạo diễn Điền Tráng Tráng đã làm một bộ phim điện ảnh về cuộc đời ông mang tên “Ngô Thanh Nguyên” (tên tiếng Anh: The Go Master), do diễn viên Trương Chấn đóng vai chính.


Link bộ phim (có sub Việt): https://www.youtube.com/watch?v=sEzd9evlf6Y
(Cụ già xuất hiện đầu phim chính là Ngô Thanh Nguyên, lúc đó ông 90 tuổi).



Hanoi Go Club Hanoi Go Club Author

Youtube

Popular Post

About

Chúng tôi là những người đam mê cờ vây và tìm thấy những tư tưởng triết lý cao đẹp từ bộ môn nghệ thuật của tư duy này. Với mong muốn và khát khao phát triển cộng đồng cờ vây tại Việt Nam ngày một lớn mạnh, trang web này là nơi chúng tôi cung cấp những kiến thức cơ bản và tạo động lực cho các bạn.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng từ các bạn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

--- Hội Quán Cờ Vây Hà Nội ---


Doanh Nghiệp Tài Trợ

Contact Us

Website: hanoigoclub.com


Page: facebook.com/hanoigoclub


Group: facebook.com/groups/hanoigoclub


Youtube: Hc C Vây - Hanoi Go Club


Hotline: 098.37.86.888


Email: hanoigoclub@outlook.com

Đăng Ký Theo Dõi