Bài Viết Mới.
Full with love

TRẬN ĐẤU THẾ KỶ

TRẬN ĐẤU THẾ KỶ 
Tác giả : Vu Hoang


Vào thập niên 1930s, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc bước vào một giai đoạn cực kì tồi tệ. Nước Nhật, với tham vọng bành trướng thế lực và xây dựng khối Đại Đông Á, đã bắt đầu xâm lược các khu vực xung quanh. Trung Quốc, mà cụ thể là vùng Mãn Châu và ven biển Đông Hải trở thành mục tiêu của người Nhật.
Giữa bối cảnh cuộc chiến Trung - Nhật đang cận kề hơn bao giờ hết, một ván cờ diễn ra giữa 2 kì thủ của 2 nước đã tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực, tạo thành một huyền thoại và cũng là bước ngoặt lịch sử của giới cờ vây. Rất nhiều thay đổi mang tính cách mạng đã diễn ra sau ván cờ này. Nhưng bản thân trong suốt thời gian diễn ra trận đấu, nó cũng vượt qua khuôn khổ của 1 ván cờ thông thường mà được mô tả như một cuộc chiến thu nhỏ giữa 2 quốc gia.
Năm 1933, Bản Nhân Phường Shusai, người đứng đầu giới cờ vây Nhật Bản với cương vị Kì nhân, cũng là Kì nhân cổ điển cuối cùng, chuẩn bị mừng thọ 60 tuổi. Để kỉ niệm sự kiện đặc biệt này, Viện cờ Nhật Bản phối hợp cùng tòa báo nổi tiếng Yomiuri Shimbun tổ chức giải đấu Oteai (Đại thủ hợp) giữa 16 kì thủ mạnh nhất lúc ấy để lựa chọn người vô địch làm đối thủ của Shusai trong trận đấu mừng thọ.
16 kì thủ đã bước vào những cuộc đấu quyết liệt suốt nhiều tháng, cuối cùng, Ngô Thanh Nguyên, kì thủ 19 tuổi của Trung Quốc đã áp chế quần hùng, giành danh hiệu vô địch một cách đầy thuyết phục.
Ngô Thanh Nguyên là một thần đồng cờ vây vô cùng nổi tiếng thời bấy giờ. Khi mới 11 tuổi, tài năng của ông đã lừng danh Bắc Kinh và được đích thân Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Đoạn Kỳ Thụy (1865-1936) tài trợ để nâng cao trình độ. Sau khi Đoạn Kỳ Thụy bị lật đổ, không còn ai tài trợ nữa do những đời Tổng thống sau không yêu thích cờ vây, Ngô Thanh Nguyên đã đi khắp các hội quán và CLB, đánh cờ kiếm tiền và liên tiếp chiến thắng khi mới 12 tuổi. Hai năm sau, Viện cờ Nhật Bản đã cho người sang thử thách Ngô Thanh Nguyên và ngay lập tức cấp học bổng để ông sang Tokyo học tập. Tới Nhật, Ngô Thanh Nguyên bái kì sư vĩ đại Kensaku Segoe làm sư phụ. Chỉ sau vài tháng, ông đã được công nhận ngay làm kì thủ 3 đẳng (tức là bỏ qua luôn 2 giai đoạn 1 đẳng và 2 đẳng).
Được mệnh danh là "Shusaku tái sinh", Ngô Thanh Nguyên nhanh chóng lọt vào top các kì thủ hàng đầu. Năm 19 tuổi, Ngô Thanh Nguyên có lẽ đã trở thành kì thủ số 1 thế giới (tất nhiên ngoại trừ Kì nhân Shusai). Vì thế, việc ông giành danh hiệu vô địch Oteai để có cuộc đấu với Shusai là chuyện đã được dự báo trước. Và thực sự, cuộc đấu giữa Shusai và Ngô Thanh Nguyên chính là trận đấu giữa 2 kì thủ mạnh nhất thế giới thời điểm ấy.
Tháng 10-1933, ván cờ lịch sử bắt đầu diễn ra giữa một bên là Kì nhân Shusai, lúc này đã 59 tuổi và một bên là Ngô Thanh Nguyên, lúc này mới 19 tuổi. Shusai hơn Ngô Thanh Nguyên đúng 40 tuổi, chỉ chênh vài ngày (Shusai sinh ngày 24-6-1874 còn Ngô Thanh Nguyên sinh ngày 21-6-1914).
Một luật lệ không tưởng đã diễn ra. Hai kì thủ sẽ có 24 giờ cho mỗi người để suy nghĩ. Ngày nay, các ván cờ giữa những người mạnh nhất thế giới cũng thường chỉ có từ 2-3 giờ suy nghĩ. Nói thế để thấy con số 24 giờ cho mỗi bên là đặc biệt đến cỡ nào. Vì thời gian đấu khủng khiếp như thế, nhà tổ chức đã quyết định ván cờ được phép dừng bất cứ lúc nào mà Shusai muốn và sẽ được đấu tiếp vào ngày thích hợp tiếp theo.
Cuộc đấu sẽ diễn ra trong suốt hơn 3 tháng và các tờ báo của Nhật Bản đưa tin về ván cờ này đã bán chạy như tôm tươi.


Ảnh: 10 nước đầu của ván cờ.

Ngày 16-10-1933, ván cờ giữa Ngô Thanh Nguyên và Bản Nhân Phường Shusai đã bắt đầu. Quân Đen là Ngô Thanh Nguyên 5 đẳng còn quân Trắng là Kì nhân Shusai 9 đẳng. Lúc ấy vẫn chưa "lạm phát 9 đẳng" như bây giờ, theo quy định cổ điển, giới cờ vây chỉ có duy nhất 1 kì thủ 9 đẳng và là Kì nhân, 5 đẳng cổ điển tương đương 9 đẳng ngày nay (về đẳng cấp trong cờ vây, cần 1 bài dài để giải thích về nó).
Thời điểm này, luật cộng điểm Komi chưa ra đời nên cầm quân Đen có lợi thế hơn và luôn dành cho kì thủ có đẳng cấp thấp hơn. Đổi lại, các kì thủ cầm quân Trắng có lợi thế là được quyền dừng ván đấu bất cứ lúc nào. Thường thì các kì thủ cầm quân Trắng, do danh dự của kì thủ cấp cao, rất ít khi hoãn ván đấu sang ngày hôm sau. Ví dụ như Shusaku, ông chỉ dừng ván đấu khi nó đã kéo quá dài và gây mệt mỏi cho cả 2 bên. Nhưng Shusai thì không quân tử như thế. Trong trận đấu này, ông đã sử dụng quyền dừng trận đấu không chút xấu hổ tới 13 lần, tất cả đều vào lúc Ngô Thanh Nguyên vừa đi quân. Điều này khiến Ngô Thanh Nguyên vô cùng thiệt thòi. Kì thủ Trung Quốc vẫn bị giới hạn 24 tiếng đồng hồ suy nghĩ trong khi Shusai lại biết trước nước đi cuối cùng của đối thủ trong ngày và có rảnh rang cả buổi tối hôm đó suy nghĩ nước đi và những biến thể của nó trước khi thực hiện vào hôm sau. Thậm chí, có những nước đi, Shusai còn nghĩ tới cả tuần. Không chỉ có thế, vị Kì nhân còn đem ván cờ ra bàn luận với các môn đệ của mình nhằm đối phó với đối thủ. Rõ ràng, Ngô Thanh Nguyên không chỉ đối mặt với sự bất công của thời gian mà còn phải một mình chống lại cả Viện Honinbo.
Vào thập niên 1930s, Ngô Thanh Nguyên và người bạn thân Kitani Minoru đang tạo ra làn sóng mới của cờ vây với Shin Fuseki (Tân khai cuộc), phá bỏ các lối mòn trong chơi cờ truyền thống. Cả hai trước đó đã đấu một loạt trận thể hiện Tân khai cuộc ở khu suối nước nóng Jigokudani tại Nagano. Phong cách này của cả hai đã gặp không ít chỉ trích của giới thủ cựu. Và cuộc đấu giữa Ngô Thanh Nguyên với Shusai không khác gì cuộc đụng độ giữa cái mới và cái cũ, giữa hiện đại và truyền thống.
Trong cờ vây truyền thống, các nước khai cuộc thường bắt đầu từ tiểu mục (3-4) hoặc điểm mokuhazushi (3-5), lối chơi ưa thích của Ota Yuzo - kì phùng địch thủ của Shusaku. Nhưng Ngô Thanh Nguyên và Kitani Minoru cho rằng khai cuộc có thể đi ở những nước khác nữa như điểm tam-tam, sao hoặc thậm chí điểm Thiên Nguyên. Sau này, Ngô Thanh Nguyên nhớ lại "Mọi người cho rằng điểm 3-3 khi khai cuộc là không tốt, tôi không hiểu tại sao và tôi muốn được kiểm chứng bằng trận đấu của mình". Ông đi 3 quân đầu tiên lần lượt vào tam-tam, sao góc đối diện và điểm Thiên Nguyên. Lối chơi này đã khiến cả giới cờ vây choáng váng. Đó là lần đầu tiên một kì thủ bắt đầu trận đấu bằng điểm 3-3.
Tuy nhiên, nước Nhật vào năm 1933 vẫn còn hơi hướm thủ cựu. Lối khai cuộc không giống ai của Ngô Thanh Nguyên đã khiến ông bị chỉ trích dữ dội và bỗng nhiên, chàng trai 19 tuổi thấy mình trở thành một kẻ được giới báo chí mô tả là kiêu căng, hợm hĩnh và nổi loạn. Trong suốt 3 tháng diễn ra trận đấu, ông thường xuyên bị những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan quấy nhiễu, thậm chí còn bị ném đá vỡ tan cửa sổ. Ở trên mặt báo, ông tiếp tục bị tấn công. Mọi thứ đều chống lại Ngô Thanh Nguyên, trừ sư phụ Kensaku Segoe và người bạn thân Kitani Minoru vẫn ở bên cạnh.
Liên tiếp những ngày sau đó, trận đấu càng lúc càng trở nên quyết liệt. Doanh thu bán báo của các tòa soạn tăng chóng mặt. Mọi việc được đẩy đến cao trào khi cho đến tận trung cuộc, Ngô Thanh Nguyên vẫn đang chiếm được đôi chút lợi thế và chàng trai trẻ tin rằng mình hoàn toàn có thể thắng. Đúng lúc ấy, Shusai dừng trận đấu và quay trở về Viện.
Không ai có thể ngờ đêm định mệnh đó đã nổ ra một vụ scandal khủng khiếp.


Ảnh: Nước đi thần thánh (nước đánh số 1)

Tuyết vẫn rơi trắng cả bầu trời. Lúc ấy, sau 159 nước cờ, Ngô Thanh Nguyên đang tạm dẫn trước, dù chỉ là lợi thế rất mong manh. Chàng trai trẻ tràn đầy tự tin vào khả năng chiến thắng và nghĩ đó có thể là dấu mốc quan trọng cho "Tân khai cuộc". Nhưng khi Shusai bước vào phòng đấu, mọi thứ dường như đã thay đổi hoàn toàn. Rất từ tốn, vị Kì nhân cầm một quân Trắng đặt vào trong moyo của bên Đen. Một nước đi mà Ngô Thanh Nguyên và tất cả những ai chứng kiến ván cờ đều không ngờ tới. Nước đi ấy có thể so sánh, thậm chí còn vượt hơn cả loạt "Quỷ trước" mà Jowa từng tạo ra trong "Ván cờ thổ huyết" hay nước đi diệu kì mà Shusaku đã làm tất cả ngỡ ngàng trong "Trận cờ Xích Nhĩ". Nước đi thứ 160 đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trận đấu, đẩy quân Đen vào thế bị động. Về sau, người ta đã gọi đó là "Nước đi thần thánh" - là nước đi thần thánh duy nhất chính thức được thừa nhận.
Dù rất bất ngờ nhưng Ngô Thanh Nguyên không mất tinh thần. Ông vẫn cố gắng tìm cách cân bằng ván đấu. Cả hai còn tiếp tục cho đến khi thu quan. Quân Trắng thắng 2 mục và báo giới có dịp ngợi ca Kì nhân Shusai vang trời. Thật là một trận đấu đẹp của Shusai! Kỉ niệm tròn 60 tuổi và đánh bại kì thủ trẻ thiên tài người Trung Quốc. Song ván cờ vẫn chưa dừng lại ở đây.
2 năm sau, trong một lần đi uống rượu, kì sư Kensaku Segoe tình cờ nghe được một bí mật động trời. Đó là "Nước đi thần thánh" trong ván cờ giữa học trò của ông với Shusai không phải do Shusai nghĩ ra. Người đó về sau được xác nhận là Maeda Nobuaki (1907-1975). Chính bản thân Nobuaki cũng từng bóng gió bộc lộ gián tiếp điều này trong một cuộc phỏng vấn sau đó ít lâu. Thế nhưng, Kensaku khi công bố tin đồn trên đã phải chịu vô số áp lực từ giới báo chí lẫn các đệ tử của Viện Honinbo. Ông bị nhận những lá thư đe dọa mỗi ngày, thậm chí rất nhiều kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan còn biểu tình trước nhà ông. Cuối cùng, Kensaku đành rút lại lời nói của mình và xin lỗi trước truyền thông.
Nhiều năm sau, trong cuộc phỏng vấn của một phóng viên Hà Lan, Ngô Thanh Nguyên vẫn chưa thôi giận dữ. Ông nói về Shusai với những lời lẽ nặng nề nhất “Honinbo Shusai liệu có phải là kẻ xấu không à, ông ta là một tên vô lại. Làm cách nào mà Viện cờ Nhật Bản lại để cho ông ta danh dự phong đẳng cho các kỳ thủ? Ông ta là kẻ phản diện, ông ta được tung hứng đến tận mây xanh bởi Viện cờ Nhật Bản, được coi như là một anh hùng của thế kỷ, chưa hết, ông ta bán cả danh hiệu của mình chỉ để lấy vài xu mua một mảnh đất nhỏ xíu ở Tokyo mà không chi một xu cho bất kỳ viện cờ nào trên thế giới.”
Dù thế nào, câu chuyện về việc Ngô Thanh Nguyên một mình chống lại Viện Honinbo cũng tạo ra vô vàn cảm hứng cho thế hệ mai sau. Tân khai cuộc mà ông thể hiện đã khiến các kì thủ trẻ trở nên sôi sục. Những năm kế tiếp, Ngô Thanh Nguyên tham gia một loạt các trận Jubango (trận đấu gồm 10 ván) với những đại cao thủ hàng đầu và chiến thắng áp đảo. Ông được mệnh danh là "Chiêu Hòa Kì Thánh", là "Thập phiên kì chi vương" (Vua của các trận Jubango) và đến nay, được thừa nhận rộng rãi là Kì thủ vĩ đại nhất thế kỉ 20.
Về phần Shusai, vị Kì nhân sẽ còn một trận đấu nổi tiếng khác với người bạn của Ngô Thanh Nguyên, đó là Kitani Minoru. Trận đấu này trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn vĩ đại Yasunari Kawabata (người đoạt giải Nobel Văn học 1968 và cũng là kì thủ vào loại khá, có sức cờ tương đương 5 dan nghiệp dư ngày nay) viết cuốn sách "Meijin" (Danh Nhân), được chính ông coi như tác phẩm hay nhất của mình. Nhưng rút kinh nghiệm từ Ngô Thanh Nguyên, Kitani Minoru đã yêu cầu "niêm phong nước cờ". Điều này có nghĩa là nếu Kitani là người đi nước cuối cùng trong ngày, nước cờ đó sẽ chỉ có trọng tài được biết và không được báo cho Shusai. Luật niêm phong này khiến không có kì thủ nào có lợi thế về thời gian giữa 2 lần thi đấu khác nhau của 1 ván cờ. Với việc cân bằng lợi thế, Kitani đã thắng Shusai 5 mục.
P/S: Việc niêm phong nước cờ hiện không có nhiều do hầu hết các ván đấu diễn ra trong ngày, trừ trận tranh danh hiệu Honinbo. Có thể nhận thấy luật niêm phong này trong ván đấu giữa Honinbo Kuwabara và Ogata 9 đẳng trong truyện "Hikaru kì thủ cờ vây".
Biên soạn theo các nguồn: Goevery, GoSensei, Wikipedia
Link kì phổ đầy đủ, có cả bình luận bằng tiếng Anh : http://gokifu.com/s/24-gokifu-19331016-Go_Seigen(5p)-Honinbo_Shusai(9p)



Hanoi Go Club Hanoi Go Club Author

Youtube

Popular Post

About

Chúng tôi là những người đam mê cờ vây và tìm thấy những tư tưởng triết lý cao đẹp từ bộ môn nghệ thuật của tư duy này. Với mong muốn và khát khao phát triển cộng đồng cờ vây tại Việt Nam ngày một lớn mạnh, trang web này là nơi chúng tôi cung cấp những kiến thức cơ bản và tạo động lực cho các bạn.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng từ các bạn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

--- Hội Quán Cờ Vây Hà Nội ---


Doanh Nghiệp Tài Trợ

Contact Us

Website: hanoigoclub.com


Page: facebook.com/hanoigoclub


Group: facebook.com/groups/hanoigoclub


Youtube: Hc C Vây - Hanoi Go Club


Hotline: 098.37.86.888


Email: hanoigoclub@outlook.com

Đăng Ký Theo Dõi