Kim Dung Viết Về Ngô Thanh Nguyên (Go Seigen)
October 15, 2018
LỜI TỰA: Kim Dung viết về Ngô Thanh Nguyên (Go Seigen)
"Nhân sinh cao thượng." - Kim Dung
Đêm nọ, trong lúc tán gẫu, một người bạn đột nhiên hỏi tôi: “Từ cổ chí kim, ông bội phục nhất là người nào?”
Tôi thốt lên mà đáp: “Người đời xưa thì tôi phục Phạm Lãi, người đời nay là Ngô Thanh Nguyên.”
Không phải vì tôi muốn đưa ra đánh giá khách quan toàn diện mà chỉ là thuần tuý xuất phát từ yêu thích cá nhân. Lấy đại trí đại tuệ mà nói, người mà tôi tự nhiên kính ngưỡng nhất chính là Thích Ca Mâu Ni. Lấy tình cảm mà nói thì tôi bội phục nhất là Lão Tử. Trong văn học lịch sử, là “Tư Bản Thông Giám" của Tư Mã Quang. Cho nên lúc đó khi nói đến Phạm Lãi cùng Ngô Thanh Nguyên là bởi vì từ nhỏ trong thâm tâm tôi đã cảm thấy hai vị này như một phần thân thiết với mình. Tôi từng lấy Phạm Lãi làm vai chính mà viết “Việt Nữ Kiếm". Với Ngô Thanh Nguyên tiên sinh một vị thiên tài bất xuất thế như vậy tôi vô cùng kính ngưỡng ông, đơn giản chỉ là vì tôi yêu thích cờ vây.
Cờ vây là phát minh của Trung Quốc, lại hưng thịnh ở Nhật Bản gần mấy trăm năm nay. Nhưng trong giới cờ vây hai ngàn năm này, chỉ sợ rằng không có vị kỳ sĩ thứ hai đủ sức cùng Ngô tiên sinh sóng vai. Điều này chẳng phải chỉ vì tiên sinh là thiên tài, càng là vì tiên sinh đã nâng tầm nghệ thuật chiến thắng đối thủ, đề cao nó lên cảnh giới cực cao của nhân sinh. Trong nghệ thuật cờ vây, tiên sinh đưa ra “Lý thuyết hài hoà", dùng lấy kỳ phong sắc nhọn mà đạt được Sakata Eio tiên sinh ca ngợi, cho rằng mình không thể đuổi kịp. “Lý thuyết hài hoà” của Ngô tiên sinh chủ trương lấy cân bằng trong ván cờ, hàm chứa Triết học Nho gia vô cùng sâu sắc cùng tư tưởng Đạo gia cực kì tinh vi. Về sau kỳ nghệ Ngô tiên sinh không còn nặng ở thắng bại mà chủ động tìm kiếm sự sáng tạo trong mỗi ván cờ, khai thác những điểm mới trong cờ vây. Nhìn về kỳ đàn Trung - Nhật ngày nay, có thể thấy rằng gần như không có lấy một người đạt được trí tuệ như vậy, dù là Takeo Kajiwara hay Hideo Otake có chỗ xấp xỉ tiên sinh đi nữa, nhưng khi nói đến hai chữ “thiên tài", thật xa mà không theo kịp.
Thiền tông Phật gia dạy người tu hành “tâm bình thường”. Ngô tiên sinh cũng dạy mọi người giữ lấy một trái tim bình thường khi đánh cờ. Tới cảnh giới này rồi, đánh cờ không phải là tiểu đạo, mà tự nhiên thành một cách để tu tâm. Ngô tiên sinh thích đọc “Kinh Dịch”, “Trung Dung", tin rằng mọi tôn giáo đều trăm sông về cùng một bể. Tiên sinh lấy tư tưởng triết học cùng cảnh giới ngộ đạo làm cơ sở cho kỳ nghệ của bản thân, tự thành một thế hệ đại tông sư mà không phải chỉ là một tay cao cờ hai mươi năm đánh khắp thiên hạ không địch thủ. Đại cao thủ dễ thấy, đại tông sư trăm ngàn năm khó mà có được một người.
Năm kia, sư phụ dạy cờ vây cho tôi là Vương Lập Thành tiên sinh đến nhà làm khách, đi cùng có Hideki Komatsu tứ đoạn (4p). Tối đó hai người không ngừng làm việc, mượn sách cờ của tôi để nghiên cứu, chính là bốn cuốn “Ngô Thanh Nguyên đả kỳ toàn tập". Hai người bọn họ phát hiện trong sách cờ tôi đánh dấu xanh dấu đỏ chi chít, thầy Vương khen tôi có bỏ công sức đi nghiên cứu cờ. Tôi dám chắc trong lòng thầy ấy nhất định cảm thấy kì lạ: “Thế quái nào mà lão Kim cố gắng nhiều như vậy, sao kì nghệ vẫn cứ kém cỏi?” Những lời này thầy ấy ngượng mà không nói, nhưng lại hỏi tôi một vấn đề khác: “Sao phần lớn những ván Ngô tiên sinh thua ông không đánh?” Bởi vì tôi kính ngưỡng Ngô tiên sinh, đánh lại những ván thắng cờ vang danh một thời của tiên sinh, chia sẻ niềm vui thắng lợi của tiên sinh, còn đánh lại những ván tiên sinh chỉ thắng một mục nửa mục lại lấy ra được cái niềm hứng thú. Về phần những ván tiên sinh thua, thông thường thì tôi không đi phục cục làm gì. Đánh lại loại kỳ phổ này khiến tôi không khỏi rầu rĩ không vui. Tôi tin những lời này cũng giải đáp được nghi vấn trong lòng của thầy Vương, vốn dĩ tôi hoàn toàn không thể hiểu được tinh hoa trong nghệ thuật đánh cờ của Ngô tiên sinh, không thể nào lĩnh hội đến. Sự hài hoà trong những ván cờ mà Ngô tiên sinh thể hiện thực sự rất sâu rộng. Trên thực tế, lấy tâm tình giải trí đi học đánh cờ, công sức bỏ ra như là nước đổ đầu vịt. Cái này đại khái cũng là bệnh chung của những người yêu cờ nghiệp dư. Thật ra, đánh lại những ván cờ của Ngô tiên sinh ta vẫn thấy được không ít những nước đi tinh diệu. Nhưng cái sự tinh diệu và mới mẻ độc đáo đó cũng chỉ có chuyên gia kỳ sĩ mới có thể hiểu. Hai năm trước khi Triệu Trị Huân xưng bá trong giới cờ vây Nhật Bản, anh ta nói rằng trong cuộc đời kỳ sĩ của mình, thứ mà anh ta chuyên cần nghiên cứu nhiều nhất chính là những ván cờ của Ngô tiên sinh. Bốn cuốn “Ngô Thanh Nguyên đả kỳ toàn tập" đã bị anh ấy lật đến rách nát, cần phải đi mua một bộ mới. Tôi tin rằng mấy trăm năm sau, nghệ thuật cờ vây sẽ càng có vô số sáng tạo, nhưng những ván cờ của Ngô tiên sinh vẫn khiến cho các kỳ sĩ hậu thế không ngừng nghiên cứu. Bởi vì kỳ nghệ của Ngô tiên sinh trong những ván cờ đó không chỉ là một vài nước đi tuyệt diệu tinh tế, mà là còn là tinh thần và cảnh giới cao thâm hàm chứa phía sau.
“Thiên Ngoại Hữu Thiên" là cuốn sách viết những điều trải qua trong cả cuộc đời đánh cờ của Ngô tiên sinh. Trong đó, chúng ta có thể nhìn đến điều mà Ngô tiên sinh tìm kiếm suốt đời thật ra chính là cái cao thượng trong tâm hồn.
Vì sự nghiệp thế tục của tiên sinh là đánh cờ, cho nên sự cao thượng trong tâm hồn này được phản ánh trong kỳ nghệ của ông. Lý thuyết Khai cuộc kiểu mới, định thức tuyết lở lớn hay những khám phá khác của tiên sinh mà người đời khen ngợi thật chất cũng chỉ là thành tựu ngoài lề. Trong tâm hồn cao thượng của Ngô tiên sinh, e rằng gần trăm cục “mười phiên cờ" đánh đến cao thủ đương thời đều giáng cấp cũng chỉ là mây khói thoáng quá trong cuộc đời.
Có được cơ hội viết lời tựa cho hồi ký của một vị đại tông sư đương thời thật là vinh hạnh lớn lao.
Share from : https://www.facebook.com/masamishouse/