Diệu Thủ
October 15, 2018
“Diệu thủ” - nước cờ hay- là một thuật ngữ trong chơi cờ, nói về một nước cờ đạt đến độ tinh tế, diệu kỳ nhất, một nước cờ hay có thể hóa giải thế bị bao vây, có thể xoay chuyển thế bại, chỉ một nước mà có thể thắng, nói không ngoa thì tinh tế đến đỉnh cao của trí tuệ. Trong một số trường hợp bị người ta khoa trương gọi là “nước đi thần thánh” – nhất là trong truyện tranh “Hikaru no Go”.
Thế mà, kỳ thủ cờ Vây Lee Changho của Hàn Quốc, khi mới 16 tuổi đã đoạt giải Quán quân Thế giới, sáng lập ra một thời đại mới của cờ vây lại là một tay cờ rất ít khi đánh ra những nước cờ hay, đây quả là điều khiến người ta phải băn khoăn không ít.
Một lần, phóng viên có hỏi anh điều này, con người sống nội tâm ấy ngần ngừ một lúc lâu, mới thủng thẳng một câu: "Tôi trước giờ không cố tìm kiếm diệu thủ, tôi chỉ tìm kiếm nước cờ có hiệu suất đến 51% thôi."
Hiệu quả của nước đi càng cao thì càng chiếm ưu thế, từ xưa đến nay các kỳ thủ đều theo đuổi mục tiêu đi nước cờ có hiệu quả cao.
Lee Changho lại nói: "Tôi vốn không nghĩ rằng chỉ một nước cờ mà có thể đánh bại đối thủ." Phóng viên cố hỏi thêm, nhưng anh không nói gì nữa.
Đối thủ cũ của Lee Changho - Kỳ thủ 9 đẳng lừng danh Trung Quốc là Mã Hiểu Xuân đã từng nói, nếu hiệu quả của một nước đi cao nhất là 10 điểm, thì trong phong cách chơi cờ của Lee Changho, mỗi nước cờ thường chỉ đạt tối đa 6-7 điểm. Điều này chứng tỏ Lee Changho không hề nói sai.
Mỗi nước cờ đặt xuống chỉ cố đạt hiệu suất 51% cũng có nghĩa rằng mỗi lượt chỉ cần hơn đối thủ 1%. Một lần đi cờ chỉ đạt hiệu quả chút xíu như vậy nghe có vẻ chả thấm vào đâu, nhưng trên cả bàn cờ, hơn một nửa số quân cờ đạt tới hiệu quả đã tính trước thì kết quả luôn chỉ có một - đó là chiến thắng. Phong cách chơi cờ của Lee Changho đã chứng minh điều ấy. Điều khiến đối thủ của anh đau đầu nhất, chính là kết quả “thắng hoặc thua nửa điểm” của anh. Một ván cờ hai ba trăm nước cờ, cuối cùng so ra vẫn là “thắng-thua nửa điểm”.
Theo đuổi hiệu suất 51% tức là dùng 51% sức lực để tấn công. Nếu dùng 100% sức lực để tấn công chẳng phải càng mạnh hơn sao? Chưa chắc. Khi con người đang háo thắng nhất thì chính là lúc mất bình tĩnh nhất; Khi tấn công người ta kịch liệt nhất, cũng chính là lúc phòng thủ yếu nhất. Vì thế, Lee Changho dùng 51% sức lực để tấn công, 49% còn lại là phòng thủ. Đây là điều mà anh không nói tới. Điều này khiến nước cờ của anh vững vàng, bình tĩnh, cực ít sai lầm, luôn khiến đối thủ cảm thấy không có sơ hở nào để lợi dụng.
Nước cờ hay thì tuyệt đẹp, nhưng nhìn ở một góc độ khác, lại là một cái bẫy. Ai có thể khiến tư duy của mình luôn giữ hiệu quả 100% đây? Vì muốn theo đuổi nước cờ hay mà dùng toàn bộ sức lực, tư duy cũng huy động cạn kiệt, sau khi đi một nước cờ "tuyệt diệu" thì các nước đi "cạn nghĩ" cũng xuất hiện luôn. Nếu đối thủ không đại bại ngay thì các sơ hở của ta cũng lộ hết ra cho người ta thấy. Dốc toàn lực xong ắt sẽ rệu rã; sau phút sáng bừng sẽ là đêm tối; lúc sải chân mạnh mẽ bước lên phía trước cũng là lúc dễ bước hụt nhất. Đây không phải điều mà kỳ thủ nào cũng có thể nhận thấy, nhưng Lee Changho đã thấu rõ – hoặc là tình cờ thôi, cũng coi như cơ duyên của anh.
Trong cách nhìn của Lee Changho, diệu thủ tuyệt đối chính là có thể đặt xuống một nước cờ bình thường, sau khi nhìn thấu và tránh được cái cám dỗ của sự khát khao đi nước cờ hay.
Liên tưởng đến đời người, đời người cũng như cuộc cờ, cũng là theo đuổi sự thành công. Có điều sự cám dỗ của thành công cũng dễ khiến người ta lạc lối. Nếu trong lòng cự tuyệt được sự cám dỗ của danh lợi thì mới đối mặt được với danh lợi, bằng không thì sẽ dấn bước trên con đường lầm lạc. Người có định lực như vậy, đứng dưới chân núi không nản lòng, đứng trên đỉnh cao không mất hướng; dầm mình trong bùn không oán thán, giữa vạn trùng hoa không lạc đường; có thể thong dong, bình thản mà chấp nhận được-thua. Kiểm soát được bản thân thì sẽ điều khiển được môi trường xung quanh.
Anh: Lee Chang-ho và Lee Sedol (bên trái)
(Dịch bởi Trang Minh Nguyễn)