Cao Nhân
October 15, 2018
Thế nào gọi là cao nhân?
Tương truyền, Tả Tông Đường rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một cao thủ, gần như không có ai là đối thủ của ông.
Có một lần, Tả Tông Đường cải trang trước khi xuất chinh đánh trận, trên đường bỗng nhìn thấy một ngôi nhà tranh, trên xà nhà có treo tấm biển: “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ”. Tả Tông Đường thấy thế thì trong lòng không phục, liền đi vào trong để cùng chủ nhân ngôi nhà đánh ba ván cờ.
Vị chủ nhà đánh ba ván đều thua, Tả Tông Đường cười nói:
“Ông nên tháo tấm biển kia xuống đi!”
Nói xong, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, cao hứng bừng bừng mà rời đi.
Không lâu sau, Tả Tông Đường thắng trận trở về, lại đi ngang qua ngôi nhà ấy, thấy tấm biển: “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” vẫn chưa được gỡ xuống, Tả Tông Đường tức giận đi vào trong nhà để cùng vị chủ nhân tỷ thí ba ván cờ nữa.
Lần này, Tả Tông Đường thua cả ba ván.
Tả Tông Đường vô cùng kinh ngạc, liền hỏi vị chủ nhân tại sao lại như vậy.
Vị chủ nhân đáp:
“Lần trước, ngài tuy mặc thường phục nhưng ta đã sớm biết ngài là Tả Công, ngài mang trên mình nhiệm vụ đánh giặc, ta không thể dập tắt nhuệ khí chiến đấu của ngài.
Lần này, ngài đã chiến thắng trở về, ta đương nhiên toàn lực ứng phó, việc đáng làm thì ắt phải làm, không thể nhượng bộ!”
Cao thủ chân chính trên thế gian, chính là có thể thắng nhưng không nhất định phải thắng, có thể đánh bại kẻ khác nhưng không nhất định phải đánh bại, ấy là vì có tấm lòng khiêm nhượng, thiện tâm với người.
Cuộc sống chẳng phải là như vậy sao?
Thông minh không nhất định là có trí tuệ, thế nhưng trí tuệ thì nhất định bao quát thông minh.
Người thông minh tâm nặng chuyện được mất, người trí tuệ có thể dũng cảm xả bỏ.
Tai thính thật sự thì có thể nghe được tiếng lòng, mắt sáng thật sự thì có thể nhìn thấu tâm linh.
Chứng kiến, không có nghĩa là nhìn thấy.
Nhìn thấy, không có nghĩa là nhìn rõ.
Nhìn rõ, không có nghĩa là hiểu được.
Hiểu được, không có nghĩa là hiểu rõ.
Hiểu rõ, không có nghĩa là đã thông suốt.
Chúng ta vẫn thường nghe nói:
“Không có văn hóa thì thật đáng sợ!”.
Thế nhưng “văn hóa” ấy rốt cuộc là cái gì vậy? Là bằng cấp? Là kinh nghiệm? Hay là sự từng trải?
Đáp án: Tất cả đều không phải!
Ngày hôm nay, coi như chúng ta đã được thấy một lời giải thích thuyết phục, “văn hóa” ấy chính là biểu đạt bởi bốn điều sau đây:
1. Đào sâu vào tu dưỡng nội tâm.
2. Tự giác không cần nhắc nhở.
3. Lấy ước thúc làm tiền đề cho tự do.
4. Suy nghĩ lương thiện vì người khác.
- Ân Quang Đại Sư -