Bạn Có Thể Dạy Trẻ Điều Gì Qua Cờ Vây?
October 15, 2018
(Bài viết trong tạp chí Myosu Global Baduk Magazine - First Issue 2017)
Cờ vây được biết đến như là một trong những trò chơi phức tạp nhất của nhân loại. Nhiều tác giả đã liên hệ Cờ vây với những triết lý, chiến lược khác nhau, được ứng dụng trong chiến tranh (như Vi kỳ tam thập lục kế - Mã Hiểu Xuân), hay trong kinh doanh và quản lý (Nghệ thuật lãnh đạo của người châu Á - Korsak Chairasmisak/ Nhà quản lý, kỳ thủ cờ vây - Jean Christian Fauvet). Cờ vây cũng bắt được dạy cho trẻ em trong trường tiểu học, không chỉ ở phương Đông (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), mà còn cả ở phương Tây.
Bên cạnh việc giúp trẻ phát triển kỹ năng tính toán, bạn có thể dạy dỗ và khai mở điều gì cho trẻ nhỏ qua một trò chơi phức tạp và đẹp đẽ như cờ vây?
1. Bình tĩnh, kiên trì và tập trung
Bản chất của trẻ nhỏ là luôn hiếu động và thiếu kiên nhẫn. Đôi khi, cũng tốt để cho chúng như vậy, đôi khi bạn muốn chúng tĩnh lặng, nói với chúng rằng chúng phải chờ đợi, và cũng để tăng khả năng tập trung vào một điều gì đó. Vậy thì cờ vây sẽ là giải pháp hoàn hảo. Như với bất kỳ trò chơi board game nào khác, con bạn sẽ cần ngồi xuống chơi trò chơi, và chờ cho đối thủ di chuyển trước khi chúng có thể thực hiện nước đi của mình. Đôi khi, trong lúc chơi Cờ vây với đứa con trai 4 tuổi của mình, tôi cố tình trì hoãn khi đến lượt, và nó đã hỏi:
- Bố, bố đang làm gì vậy, sao bố không chơi?
Tôi mỉm cười với nó và trả lời:
- Nước đi của con quá tốt, nên bố cần phải suy nghĩ một chút. Những điều tốt đẹp thường tốn nhiều thời gian, con biết không?
Và sau đó, một lần tôi thấy nó dường như mất tập trung và nhìn về hướng khác, tôi hỏi nó:
- Này, tại sao con không chơi?
- Con đang suy nghĩ. Bố biết đấy, cần suy nghĩ trước khi chơi.
Bài học đã được rút ra.
Về sự tập trung, tất cả chúng ta đều biết rằng Cờ vây là một trò chơi đòi hỏi tư duy logic và tuần tự, vì vậy càng có nhiều trẻ em hiểu (và thích) trò chơi, chúng càng có thể tập trung.
2. Thắng và thua
Bất kỳ đứa trẻ nào, và có lẽ bất cứ ai, đều thích chiến thắng. Nhưng tất nhiên, không thể luôn giành được chiến thắng trong mọi thứ. Con trai của tôi ghét bị thua khi chơi cờ vây. Mỗi lần tôi nói với nó rằng nó đã thua, nó đều khóc lóc ầm ĩ và nói rằng nó sẽ không bao giờ chơi cờ vây nữa. Tôi hơi thất vọng bởi thái độ của nó, nhưng theo thời gian, tôi hiểu rằng đó là điều tự nhiên với bất kỳ ai và bắt đầu giúp nó làm giảm bớt sự thất vọng của mình, thay vì bảo nó đừng khóc. Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng những kinh nghiệm mà nó sớm có được từ việc chơi cờ vây sẽ giúp nó có những suy nghĩ tích cực hơn về được và mất khi nó lớn lên.
Một điều thú vị khác mà tôi phát hiện ra, là nó chỉ ghét bản thân mình thua nhưng không hề vui khi chứng kiến đối thủ thua cuộc. Một lần, kết quả trận đấu bàn 9x9 của chúng tôi là hòa (tôi không sử dụng komi để đơn giản hóa mọi thứ), và khi tôi nói với nó rằng hai chúng tôi bằng điểm nhau, nó lập tức tuyên bố cả hai chúng tôi đều chiến thắng! Mặc dù đã trải qua hàng ngàn ván cờ vây trong đời và đã nhiều lần tìm kiếm chiến thắng cho dù là nhỏ nhất, đột nhiên, tôi nhận ra những gì tôi đã bỏ lỡ! Vâng, tại sao cả hai chúng ta không thể thắng?
Thật là một bài học hay mà tôi đã học được từ một đứa trẻ!
Tác giả: Phạm Việt Khôi.