Nữ Giới Trong Cờ Vây
September 25, 2018
Một trong những tài liệu tham khảo lâu đời nhất cho thấy phụ nữ chơi cờ vây ở Nhật Bản đã được tìm thấy là cuốn “The Tale Genji”. Cuốn tiểu thuyết này được viết bởi một phụ nữ, thậm chí những người chơi được đề cập đến trong đó cũng đều là nữ. Nó khẳng định cờ vây là một cách tiêu khiển phổ biến trong thời kỳ phong kiến và được hưởng ứng bởi cả phụ nữ cũng như đàn ông. Bên cạnh đó, chơi cờ còn là cả một nghệ thuật, đặc biệt là đối với các geisha thời Edo. Bằng chứng là nhiều tác phẩm điêu khắc về geisha đã lấy cờ vây làm bối cảnh chính.
Tuy nhiên trong suốt thời kỳ này, chỉ có một số ít nữ kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp. Người nổi tiếng nhất trong số đó là Sano Hayashi (1825 – 1901). Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, bà đã bộc lộ tài năng đáng kinh ngạc. Năm 1840, Hayashi đạt 1 dan và lên 3dan vào năm 1846. Bà tiếp tục sự nghiệp kỳ thủ cho đến năm 1890. Có lẽ thành quả giá trị nhất bà để lại là đệ tử của bà, Fumiko Kita (1875 – 1950). Cha của Kita là một tiến sĩ nổi tiếng, người đã biên soạn cuốn từ điển Nhật Đức đầu tiên. Tuy nhiên, khi ông qua đời, mẹ Kita đã gửi cô vào trường Hayashigo và Sano Hayashi đã trở thành mẹ nuôi của cô. Kita được 1dan năm 1889 và sau đó nhanh chóng lên 6dan – cấp độ cao nhất mà một nữ kỳ thủ giành được lúc bấy giờ. Bà mất năm 1950, sau khi đạt 7dan. Trong giới cờ vây, nữ kỳ thủ chuyên nghiệp không được chấp quân (no handicap). Điều đó chứng minh sức cờ của bà là cân bằng so với các nam kỳ thủ cùng thời. Bà trở nên nổi tiếng và giành được sự tôn trọng tuyệt đối bằng 5 trận thắng trước các nam kỳ thủ hàng đầu.
Kita cũng được coi như người mẹ của giới kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp nữ ngày nay. Hầu như tất cả các nữ kỳ thủ chuyên nghiệp trước Chiến tranh thế giới thứ II đều do bà hướng dẫn, dạy dỗ. Trước chiến tranh thế giới chỉ có vẻn vẹn một vài nữ kỳ thủ chuyên nghiệp nhưng sau đó con số này đã lên tới trên 50. Một trong những kỳ thủ tiềm năng nhất là Izumi Kobayashi 3dan (trước 1977). Cô là con gái của Koichi Kobayashi 9dan (được coi là kỳ thủ mạnh thứ hai của Nhật) và Reiko Kobayashi 7dan – con gái Minoru Kitani. Izumi đã đánh bại nhiều kỳ thủ hàng đầu trong các giải đấu mở rộng, đồng thời hiện nay cô cũng đang nắm giữ danh hiệu Kỳ Thánh nữ. Nhiều người nghĩ rằng cô sẽ còn phát triển, tiếp tục vươn lên dẫn đầu. Và mặc dù không nắm giữ bất kỳ danh hiệu nào nhưng Kikuyo Aoki 7dan cũng là một kỳ thủ hứa hẹn, một đối thủ cạnh tranh đầy tham vọng. Cô luôn hy vọng mình sẽ là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ một danh hiệu lớn. Cô gần như đã đạt mục tiêu khi lọt vào vòng trong của loạt ba trận đấu giành chức vô địch của giải đấu New Star 2 năm trước. Hiện nay cô đang là người thách thức Terumi Nishida 5dan trong giải tranh danh hiệu Meijin nữ. Cô nắm giữ khá nhiều danh hiệu của cờ vây chuyên nghiệp nữ trong quá khứ, tiêu biểu là danh hiệu Meijin nữ 1990.
Nhật Bản được xem là nước có truyền thống cờ vây lâu đời nhưng các nữ kỳ thủ Trung Quốc dường như mạnh hơn các kỳ thủ của Nhật. Nổi bật nhất là Rui Naiwei (Nhuế Nại Vỹ) 9dan (trước 1963). Cô đã đánh bại nhiều chuyên gia hàng đầu trong các giải đấu nổi tiếng, 3 lần giành được cúp Bohai – một giải đấu vô địch quốc tế giành cho nữ. Rui di cư sang Mỹ trong những năm gần đây cùng chồng mình, một kỳ thủ 9dan. Cô không tham gia bất kỳ một hiệp hội nào, do đó sự xuất hiện của cô trong các giải đấu lớn là rất hạn chế, một số là do cô được mời tham gia. Tuy nhiên cả thế giới vẫn phải công nhận cô là một trong 20 kỳ thủ mạnh nhất. Một nữ kỳ thủ Trung Quốc 9 dan khác là Feng Yun. Cô đã từng hai lần giành cúp Bohai và lọt vào vòng cuối của nhiều giải đấu lớn. Tuy nhiên mỗi lần đối mặt với Rui, cô đều bị đánh bại một cách thuyết phục. Điều đó cho thấy rằng, mặc dù là nữ kỳ thủ mạnh thứ hai thế giới nhưng Rui vẫn ở trên cô một bậc.
Bài viết được lược dịch từ The Magic of Go của Richard Bozulich.