Bài Viết Mới.
Full with love

Nền Tảng Và Luật Cờ Vây



Điển tích kể lại: Khởi thủy của môn cờ bắt đầu từ giấc mơ của vua Nghiêu về việc xem chơi cờ giữa Hoàng Đế (người mở đầu thời Ngũ Đế) với vị tiên Dung Thành. Nhà vua đang thấy tiên Dung Thành chơi một loại cờ gồm một bàn cờ và các quân trắng đen bèn thỉnh cầu tiên dạy cờ cho mình. Đang chơi cờ hay bỗng vua Nghiêu tỉnh lại. Nhà vua ngẫm ra thấy hay quá bèn tìm cách nhớ lại và bổ khuyết thêm các quy tắc, luật lệ và sáng tạo ra môn cờ vây, vì mục đích của nó là vây chiếm lãnh thổ, đất đai. Sau đó, cờ vây được thái tử Đan Chu, con của vua Nghiêu truyền bá khắp thiên hạ.



Sau đây là những vấn đề mang tính nền tảng xây dựng nên cờ vây đi kèm với luật chơi chặt chẽ và rất logic. Các bạn chỉ cần 15' để nắm được và bắt đầu chơi những ván cờ 9x9 đầu tiên. 

Mục tiêu của phương pháp học cờ và hệ thống kiến thức này là nhằm đưa đến cho các bạn những kiến thức cần thiết nhất, không đi sâu vào cờ vây cơ bản. Những kiến thức về nền tảng và luật chơi cờ, sẽ giúp các bạn hoàn thành được một ván cờ theo đúng nghĩa, và xây dựng nền móng vững chắc cho việc học cờ sau này.

I. Bàn cờ và quân cờ


1. Bàn cờ



Trên mặt phẳng bàn cờ là một lưới các đường kẻ giao cắt nhau thành các ô vuông. Bàn  cờ tiêu chuẩn có kích cỡ lưới 19×19 (tính theo số đường thay vì số ô vuông). Các bàn cờ có kích cỡ nhỏ hơn với lưới 13×13 và 9×9 được sử dụng cho các ván cờ ngắn hơn, thường dùng trong giảng dạy cho người mới chơi. 

Cụ thể, khi mới tập chơi, các bạn nên tập trên bàn 9x9 để có thể hiểu cặn kẽ nền tảng và luật chơi cờ vây, đồng thời áp dụng các kỹ thuật cơ bản nhất kèm với sống chết. Ưu điểm của bàn nhỏ sẽ giúp các bạn thành thạo những kỹ năng sơ cấp vì không quá lan sang việc học những kỹ năng trung cấp như ở bàn lớn hơn.

Sau khi đã nắm vững được sơ cấp, bàn 13x13 sẽ giúp các bạn cảm nhận tốt hơn về không gian trong cờ vây. Việc bàn cờ được mở rộng ra, đồng nghĩa với việc chúng ta không còn chỉ áp dụng những kỹ thuật cơ bản và sống chết nữa, mà chúng ta còn phải hiểu được bố cục bàn cờ, kèm với nhiều kiến thức trung cấp khác. Khi đã có được nền móng vững chắc, việc luyện tập trên bàn 19x19 sẽ trở nên dễ dàng hơn với việc kiến thức đã được hệ thống hóa hợp lý.

      



2. Quân cờ



Hai người chơi sẽ cầm cờ màu đen hoặc trắng, mỗi màu cho một người chơi, và thông thường một bộ có 181 quân đen và 180 quân trắng, tương ứng với tổng số giao điểm trên bàn cờ 19x19. Quân đen đi trước, và mỗi bên tuần tự đi một nước. Khi đã đặt quân trên bàn cờ và bỏ tay ra, thì không được di chuyển quân nữa.

II. Khí



Sau khi có nền tảng về bàn cờ và quân cờ, chúng ta có nền tảng về khí. Khi một quân đặt lên bàn cờ, nó sẽ có các giao điểm xung quanh được gọi là Khí. Khí tượng trưng cho sự tự do của một quân hay một đám quân.
Ở hình bên, các giao điểm Δ là khí của quân cờ . Các giao điểm □ không phải là khí của quân cờ.
Tương tự, các giao điểm Δ là khí của cả đám quân.


III. Ăn quân

Sau khi có nền tảng về khí, chúng ta có nền tảng về ăn quân. Ăn quân là trường hợp khi một quân hay một đám quân bị đối phương vây hết khí. Sau khi bị ăn quân, quân Trắng sẽ bị bốc ra khỏi bàn cờ, đặt vào khay tù binh của Đen.


IV. Điểm cấm đi

Điểm cấm đi là điểm hết khí của một bên, mà khi bên còn lại đánh vào, nhưng không thay đổi trạng thái của bàn cờ.

Điểm hết khí thường hình thành sau khi ăn quân. A và B là điểm hết khí, Trắng không thể đi vào. Tất nhiên Đen vẫn có thể đi vào điểm hết khí của mình như ở điểm C. 

Còn điểm D không phải là điểm cấm đi, vì dù hết khí, nhưng khi Trắng đánh vào thì ngay lập tức ăn quân Đen và thay đổi trạng thái của bàn cờ.


V. Cướp

Trường hợp khác của điểm hết khí mà không bị cấm đi là "cướp", bởi lý do nước đi làm thay đổi trạng thái của bàn cờ.

Cướp là trạng thái mà hai bên có thể ăn 1 quân liên hoàn tại 1 vị trí nhất định. Sau khi một bên tiến hành ăn quân trước, thì bên còn lại phải đánh một nước ở chỗ khác, và sau đó mới quay lại ăn ở vị trí cướp được.

Trường hợp khác của ăn quân giữa 2 bên, tại 1 vị trí, là ăn nhiều hơn 1 quân. Trường hợp đó không phải là cướp, vì số lượng quân bị ăn lớn hơn 2 sẽ thay đổi trạng thái bàn cờ. Về sau chúng ta sẽ học phương pháp vồ ngược, là một ví dụ điển hình của vấn đề này. Hình bên, Trắng 1 ăn Đen.
Hình bên, Đen 1 ăn lại 2 quân Trắng được ngay, vì trạng thái bàn cờ thay đổi.
Hình bên, Trắng 1 ăn lại Đen, là nước đi hợp lệ.

VI. Sống chết


Khi nắm được các nền tảng và luật chơi phía trên, bàn cờ sẽ dần lấp kín bằng các quân cờ đen trắng. Lúc này, chúng ta cần phân định sống chết của những đám quân, thì mới có thể kết thúc ván cờ. 

Một đám quân sống phải có 2 mắt và ngược lại, trừ trường hợp sống chung (sẽ phân tích ở phần cờ vây sơ cấp). Mắt ở đây tối thiểu phải là điểm cấm đi.
Trường hợp này Trắng bao vây Đen, Đen sẽ bị giết nếu Trắng vây hết 3 khí của Đen theo định nghĩa về Ăn quân. Vậy Đen muốn sống, phải tạo được 2 mắt, nên nước đi tạo sống duy nhất là ở chính giữa.

Hình bên, Trắng muốn giết Đen, buộc phải lấp hết 2 khí còn lại của Đen. Nhưng theo luật đi quân, Trắng không được đi 2 nước liên tiếp, và nếu chỉ được đi 1 nước thì không thể đánh vào điểm cấm đi. Vì vậy Đen sống nhờ có 2 mắt.



Sau khi đã học xong 6 nền tảng và luật chơi ở trên, các bạn cảm thấy tính logic và chắc chắn của cờ vây chứ? Cùng nhau kết thúc một ván cờ sau khi học nốt phần cuối cùng của bài giảng này nhé !

VII. Cách tính điểm


Ván cờ sẽ kết thúc khi hai bên đã hoàn thành việc phân chia lãnh thổ rạch ròi, và cùng nhau bỏ lượt. Khi đó chúng ta sẽ bắt đầu việc tính điểm, hay còn gọi là "mục" với những quy tắc như sau :

1. Đất, tù binh, và quân chết kỹ thuật

- Đất là các giao điểm mà 2 bên vây được. Mỗi một giao điểm được tính là 1 điểm đất.
- Tù binh là những quân ăn được trong quá trình đánh cờ, được bỏ ra khay tù binh. Mỗi một tù binh được tính là 1 điểm.
- Quân chết kỹ thuật là những quân không tạo được 2 mắt để sống. Mỗi một quân chết kỹ thuật được tính là 1 điểm.

2. Điểm cộng

Quân Đen đi trước có lợi, nên quân Trắng được cộng điểm đền bù, tiếng nhật gọi là điểm Komi. Số điểm cộng này là 6.5 áp dụng với tất cả các kích cỡ bàn cờ. Số điểm cộng lẻ 0.5 để luôn xác định được người thắng cuộc, tuy nhiên vẫn có trường hợp hòa cờ. Trong nhiều ván chấp cờ thông thường, số điểm cộng này có thể tùy chọn do 2 bên, nhưng thường là 0.5.

3. Hòa cờ

Hòa cờ chỉ xảy ra khi ván cờ không thể kết thúc. Cụ thể là trường hợp xảy ra Tam kiếp trở lên, ván cờ sẽ được tính là hòa khi hai bên không ai chịu nhường ai. Tham khảo bài viết về Tam kiếp.


 Cách Tính Điểm


Chúng ta sẽ học cách tính điểm theo luật Nhật Bản trước, vì đây là cách tính điểm phổ biến trên các sever cờ online, và các trận đấu thực tế. Các bạn hãy tham khảo bài viết Sự khác biệt giữa luật tính điểm Nhật - Trung để hiểu thêm.

Bước 1 : Xác định rõ các quân cờ chết kỹ thuật trên bàn cờ, sau đó hai bên nhặt những quân đó để chung với các binh bị ăn trước đó.

Bước 2 : Sau khi nhặt ra, ta tiếp theo đếm số giao điểm trống có trong lãnh thỗ mỗi bên.

Bước 3 : Cộng số điểm 2 bên có được. Điểm của Đen = tù binh + đất. Điểm của Trắng = tù binh + đất + điểm cộng. Bên nào nhiều điểm hơn sẽ thắng.



Ví dụ như ván cờ bên trên, hệ thống tự động tính điểm hiển thị rất dễ hình dung. Kết quả Trắng thắng 0.5 mục.

Tham khảo thêm :

 Phân biệt luật tính điểm nhật và trung


 Chấp quân chấp điểm


 Cách xếp quân tính điểm


Hanoi Go Club Hanoi Go Club Author

Youtube

Popular Post

About

Chúng tôi là những người đam mê cờ vây và tìm thấy những tư tưởng triết lý cao đẹp từ bộ môn nghệ thuật của tư duy này. Với mong muốn và khát khao phát triển cộng đồng cờ vây tại Việt Nam ngày một lớn mạnh, trang web này là nơi chúng tôi cung cấp những kiến thức cơ bản và tạo động lực cho các bạn.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng từ các bạn xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.

--- Hội Quán Cờ Vây Hà Nội ---


Doanh Nghiệp Tài Trợ

Contact Us

Website: hanoigoclub.com


Page: facebook.com/hanoigoclub


Group: facebook.com/groups/hanoigoclub


Youtube: Hc C Vây - Hanoi Go Club


Hotline: 098.37.86.888


Email: hanoigoclub@outlook.com

Đăng Ký Theo Dõi